Căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đã tăng cao do các cáo buộc Bắc Kinh hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh IT

Danh sách 19 công ty này đã được công bố trên Tạp chí Chính thức của EU bao gồm một số công ty có trụ sở tại Hồng Kông cũng như hai gã khổng lồ về vệ tinh toàn cầu.

EU đã công bố gói trừng phạt thứ 14 chống Nga ngày 24/6 và bổ sung 61 công ty mới vào danh sách các đơn vị bị cáo buộc trực tiếp "hỗ trợ tổ hợp công nghiệp quân sự Nga" trong cuộc chiến ở Ukraine, nâng tổng số lên 675 công ty bị trừng phạt vì cáo buộc này.

Các công ty này hiện đang phải chịu những hạn chế mạnh mẽ trong việc buôn bán "hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng" có thể được sử dụng để "tăng cường lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Nga.

Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc của phương Tây rằng họ đang hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Trong số các công ty mới được thêm vào có hai công ty lớn trong ngành vệ tinh Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan đến việc bán vệ tinh và hình ảnh vệ tinh cho lực lượng lính đánh thuê Wagner khét tiếng của Nga từng tham chiến ở Ukraine.

Vào tháng 10 năm ngoái, một cuộc điều tra của AFP cáo buộc rằng, Wagner vào năm 2022 đã ký một hợp đồng trị giá hơn 30 triệu USD với công ty Beijing Yunze Technology Co Ltd của Trung Quốc để mua hai vệ tinh và sử dụng hình ảnh của chúng.

Hợp đồng được ký vào tháng 11/2022, hơn nửa năm sau khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ và lực lượng Wagner dưới sự chỉ đạo của ông trùm Yevgeny Prigozhin đang đóng một vai trò quan trọng trên chiến trường.

Hai vệ tinh có độ phân giải cao này thuộc sở hữu của Công ty công nghệ vệ tinh Chang Quang, công ty vệ tinh hàng đầu thế giới, cũng là đơn vị bị thêm vào danh sách trừng phạt của EU.

Một công ty Trung Quốc khác có tên trong danh sách là Head Aerospace Technology, chuyên bán hình ảnh vệ tinh và bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vào năm 2023 vì làm ăn với Tập đoàn Wagner.

Ngay cả khi Trung Quốc không chuyển giao vũ khí trực tiếp cho Nga, Mỹ và châu Âu vẫn cáo buộc nước này bán linh kiện, thiết bị cho ngành công nghiệp quân sự Moscow.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm đã bác bỏ những cáo buộc trên là "thông tin sai sự thật".

Các công ty có trụ sở tại Nga chiếm khoảng một nửa trong số 61 đơn vị bị EU thêm vào danh sách hôm thứ Hai.

Ngoài 19 công ty Trung Quốc, còn có thêm 9 công ty từ Thổ Nhĩ Kỳ, hai công ty ở Kyrgyzstan, một công ty ở Ấn Độ, một công ty ở Kazakhstan và một công ty ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nằm trong danh sách bị trừng phạt.